Vận chuyển quá cảnh qua kênh đào Panama giảm 10%

Vận chuyển quá cảnh qua kênh đào Panama giảm 10%

Ngày 12-02-2025 Lượt xem 109

Từ tháng 9 năm 2024 đến tháng 1 năm 2025, tổng trọng tải tàu (Deadweight tonnage – DWT) quá cảnh qua kênh đào Panama giảm 10% so với mức trung bình giai đoạn 2019-2022. Mặc dù không có hạn chế đối với lưu thông hàng hải trong khoảng thời gian này, số lượt quá cảnh của tàu hàng khô rời (Dry bulk carrier), tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG carrier) và, ở mức độ thấp hơn, tàu dầu (Tanker) vẫn chưa phục hồi về mức trung bình lịch sử.

Từ tháng 6/2023 đến tháng 9/2024, lưu thông hàng hải qua kênh đào Panama bị hạn chế do mực nước thấp tại hồ Gatun. Các biện pháp kiểm soát được áp dụng đối với cả tổng số lượt quá cảnh lẫn mức mớn nước tối đa, khiến các tàu phải cạnh tranh suất lưu thông có giới hạn. Các phân khúc vận tải như tàu container vốn hoạt động theo lịch trình cố định, có lợi thế đặt trước lịch trình quá cảnh so với các loại tàu khác. Ngoài ra, các lịch trình quá cảnh không đặt trước (non-booked transit slots) được đưa ra đấu giá, thường ưu tiên cho tàu trả giá cao nhất, tạo lợi thế cho một số lĩnh vực vận tải biển.

Mức phí quá cảnh thay đổi trong các tuyến thương mại và sự thiết lập một trạng thái "bình thường mới" có thể là những yếu tố kìm hãm lưu lượng tàu trở lại kênh đào. Đối với các phân khúc vận tải chưa phục hồi hoàn toàn, điều này đã làm tăng tổng nhu cầu tấn-hải lý (tonne-mile demand) do quãng đường vận chuyển dài hơn. Thay vì đi qua kênh đào, tàu lựa chọn hành trình vòng qua mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) hoặc mũi Horn (Cape Horn).

Trong lĩnh vực tàu hàng khô rời, sự thay đổi trong luồng thương mại ngũ cốc Hoa Kỳ – loại hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất qua kênh đào – đã góp phần làm giảm số lượt quá cảnh. Hoa Kỳ ngày càng tăng cường xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng bờ Tây (US West Coast ports), bỏ qua tuyến qua kênh đào Panama. Kể từ tháng 9, khối lượng vận chuyển ngũ cốc từ bờ Tây Hoa Kỳ đến các cảng khu vực Thái Bình Dương đã tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khối lượng từ vùng Vịnh Hoa Kỳ (US Gulf) giảm 6%.

Khối lượng vận chuyển than cũng duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước khi có hạn chế, do các tàu vẫn ưu tiên tuyến đường thay thế. Ngược lại, lượng hàng khô rời nhỏ (minor bulk cargo) qua kênh đào đang tiệm cận mức trước khi bị hạn chế, nhờ nhu cầu tăng đối với hàng hóa thép và phân bón.

Đối với lĩnh vực LNG, tàu chuyên dụng (LNG carrier) hầu như chưa quay trở lại kênh đào Panama do các lo ngại về an toàn hàng hải liên quan đến loại hàng hóa này. Số lượt quá cảnh dành cho tàu LNG rất hạn chế, và không có lượt quá cảnh qua đêm (no overnight transits). Do đó, tuyến hàng hải vòng qua mũi Hảo Vọng hoặc mũi Horn được các chủ tàu đánh giá là đáng tin cậy và linh hoạt hơn.

Mặc dù quá trình khôi phục lưu thông qua kênh đào diễn ra chậm ở một số phân khúc, BIMCO vẫn dự báo tổng dung tải tàu quá cảnh tuyến đường này sẽ tăng trong thời gian tới. Số lượt quá cảnh của tàu container, tàu chở khí hóa lỏng (LPG carrier) và tàu chở ô tô (Car carrier) hiện đã vượt mức lịch sử và có thể tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, triển vọng trung hạn của phân khúc tàu hàng khô rời vẫn còn bất định, do cạnh tranh gay gắt giữa Hoa Kỳ và Brazil trong thị trường xuất khẩu ngũ cốc, cùng với triển vọng nhu cầu than ở mức thấp.

Nguồn: BIMCO.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat