I. Cảng biển
1. Cảng Hải Phòng (HPH)
Được người Pháp xây dựng từ năm 1874 ở phía bắc Việt Nam, cảng Hải Phòng chính là cảng container hiện đại nhất miền Bắc Việt Nam, là trung tâm trung chuyển hàng hóa của toàn bộ khu vực phía Bắc gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hòa Bình…. Với cơ sở vật chất gồm hệ thống mạng tiên tiến, công nghệ thiết bị hiện đại, 200 camera quan sát cùng hệ thống quản lý thông tin và nhân sự, cảng Hải Phòng luôn là vị trí thuận lợi, đảm bảo độ an toàn và phù hợp cho mục đích vận tải giao dịch thương mại quốc tế.
Hiện nay, cảng Hải Phòng gồm 5 chi nhánh. Khu vực cảng có 21 cầu tàu với tổng chiều dài là 3.567m với độ sâu trước bến thiết kế từ -7,5m đến -9,4m. Tổng diện tích bãi container tại chi nhánh cảng Chùa Vẽ và Tân Vũ là 712.110m2 và 3.300 m2 cho kho CFS tại cảng Chùa Vẽ.
Là cảng biển có lưu lượng hàng hóa lưu thông lớn nhất phía Bắc Việt Nam, cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận khoảng 10 triệu tấn/năm, trong đó, chi nhánh Cảng Hoàng Diệu chiếm gần 60% lượng hàng hóa bốc xếp. Đồng thời, cỡ tàu lớn nhất có thể tiếp nhận đạt 40.000 DWT tại khu chuyển tải Lan Hạ và thấp nhất với 700DWT tại bến phao Bạch Đằng.
Hiện nay, hướng tới mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, cảng Hải Phòng đang thực hiện dự án đầu tư Cảng Đình Vũ với 5 bến tàu và nâng tải trọng của tàu đến 55.000 DWT và trong tương lai với 100.000 DWT tại Lạch Huyện cùng các đầu tư về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.
2. Cảng Hồ Chí Minh (HCM)
Cảng Hồ Chí Minh nằm ở phía nam Việt Nam, là một trong các cảng lớn nhất Việt Nam, là trung tâm trung chuyển hàng hóa của toàn bộ khu vực phía nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ, bao gồm các cảng và ICD như cảng Cát Lái, cảng Tân Cảng và ICD Transimex, ICD Tanamexco – Tây Nam,…
3. Cảng Cái Mép (TCIT)
Cảng Cái Mép thuộc tình Bà Rịa Vũng Tàu, cách cảng Hồ Chí Minh 130km thuận lợi cho tuyến chuyên chở hàng trực tiếp đi Mỹ, Châu Âu…
4. Cảng Đà Nẵng (DAD)
Cảng Đà Nẵng thuộc Thành phố Đà Nẵng, là trung tâm trung chuyển hàng hóa của toàn bộ khu vực miền Trung Việt Nam, bao gồm các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…
II. Sân bay:
1. Sân bay Cát Bi (HPH)
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, là một sân bay thuộc thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố 5 km. Cảng hàng không Cát Bi luôn thuộc "top" các sân bay có mức độ tăng trưởng hành khách và hàng hoá nhanh nhất cả nước (luôn đạt trên 30%).
2. Sân bay Tân Sơn Nhất (SGN)
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với diện tích 850ha là sân bay lớn nhất Việt Nam về mặt diện tích cũng như công suất nhà ga (với công suất thiết kế năm 2018 là 28 triệu lượt khách/năm và quá tải khi lượng hành khách lên tới 38 triệu khách/năm và là sân bay có lượng khách lớn nhất Việt Nam. Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 8 km về phía Bắc, thuộc quận Tân Bình, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Nam. Năm 2014, sân bay này phục vụ 26.546.475 lượt khách, nằm trong nhóm 50 sân bay có lượng khách nhiều nhất thế giới. Năm 2016, sân bay này đã phục vụ 32,6 triệu lượt khách, tăng 22,8% so với năm 2015 và 38,5 triệu luợt khách năm 2018.
Sân bay này là nơi hoạt động chính của tất cả các hãng hàng không Việt Nam, là trụ sở của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, đơn vị quản lý toàn bộ các sân bay dân dụng ở Việt Nam. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thuộc sự quản lý và khai thác của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (JSC), trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
3. Sân bay Nội Bài (HAN)
Sân bay Quốc tế Nội Bài là cảng hàng không Quốc tế lớn nhất của miền Bắc Việt Nam, phục vụ chính cho Thủ đô Hà Nội và vùng lân cận. Sân bay Nội Bài là trung tâm hoạt động chính cho Vietnam Airlines, VietJet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và trước kia có Indochina Airlines, Air Mekong.
Sân bay Quốc tế Nội Bài thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 35km theo tuyến đường bộ về phía Tây Bắc. Khoảng cách này đã được rút ngắn còn 27km khi cầu Nhật Tân và tuyến đường nối đầu cầu này với Nội Bài được hoàn thành trong năm 2015, ngoài ra còn có thể đi theo Quốc lộ 3 dẫn từ cầu Chương Dương đến ngã 3 giao cắt với Quốc lộ 2 để vào sân bay.Sân bay Quốc tế Nội Bài còn nằm gần các thành phố thuộc các tỉnh lân cận như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh.
Nhà ga hành khách T1 do chính các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, mang đậm bản sắc dân tộc, như một cổng trời chào đón khách thập phương đến với Thủ đô và được đánh giá cao về mặt thẩm mĩ, từng đạt giải nhất kiến trúc Việt Nam. Nhà ga hành khách T2 do Nhật Bản thiết kế và thi công, với nguồn vốn xây dựng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản, được khánh thành vào đầu năm 2015. Sân bay có 2 tháp chỉ huy, trong đó có 1 tháp cao 90 mét. Đây là tháp chỉ huy không lưu cao nhất Đông Dương. Hiện tại đây là Sân bay lưu có lượng hành khách lớn thứ hai Việt Nam, chỉ sau sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), một cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải, quản lý.
4. Sân bay ĐÀ NẴNG (DAD)
Sân bay Quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên và lớn thứ ba của Việt Nam, nằm ở quận Hải Châu, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 3 km, với tổng diện tích khu vực sân bay là 842 ha, trong đó diện tích khu vực hàng không dân dụng là 150 ha. Đây là điểm bay quan trọng của miền Trung Việt Nam và cả nước.
Sản lượng khách năm 2019 tại sân bay này là 15,5 triệu lượt khách, là sân bay có lượng khách thông qua nhiều thứ 3 tại Việt Nam.