Theo các doanh nghiệp, chi phí logistics đã giảm trung bình 5-7% so với đầu năm và giảm khoảng 30-40% so với mức đỉnh năm 2021.
Giảm khoảng 5-7% so với đầu năm
Hiện, sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm gần 10.000 đồng về hơn 23.000 đồng/lít và giá dầu cũng đang giữ xu hướng giảm suốt 2 tháng qua, các doanh nghiệp cho biết, chi phí logistics cũng đã giảm theo.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện công ty TNHH tiếp vận Ngôi Sao Việt Nam cho biết, hiện chi phí logistics các chặng nội địa và quốc tế đã giảm trung bình khoảng 5-7% so với đầu năm và giảm khoảng 30-40% so với mức giá đỉnh năm 2021.
Đơn cử, chặng nội địa theo đường bộ từ Hà Nội vận chuyển vào TP.HCM, mức giá thuê nguyên container 40 feet đã giảm từ mức 50 triệu đồng/chuyến xuống còn khoảng 35-45 triệu đồng/chuyền. Nếu đi đường sắt, mức cước này thấp hơn khoảng 2-3 triệu đồng/container.
Giá vận tải biển, đường bộ và đường sắt đều giảm.
Còn một container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu, giá giảm xuống chỉ còn 5.000-8.000 USD/container, thay vì mức giá khoảng 9.000-10.000 so với đỉnh năm ngoái.
Tương tự, chi phí từ Việt Nam đi Mỹ cũng đã giảm xuống mức 8.000-11.000 USD/container 40 feet, từ mức 18.000-21.000 USD vào năm 2021.
Công ty Trường Phát Logistics cũng cho Báo Giao thông biết, chi phí vận chuyển đường biển từ Trung Quốc về Việt Nam cũng đã giảm mạnh, tối thiếu là 50%. Hiện, giá cước xuống còn khoảng 700-800 USD/container 40 feet, từ mức 1.500-2.000 USD….
Nhìn chung, các doanh nghiệp logistics đều cho biết, chi phí logistics đã giảm tối đa ngưỡng 10% sau khi giá xăng giảm liên tiếp thời gian qua, cũng có những chặng không giảm, phần lớn là hợp đồng lẻ, chặng ngắn…
Còn giảm xuống mức nào?
Dù vậy, ông Nguyễn Tương, cố vấn cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam đánh giá, chi phí logistics vẫn còn cao hơn nhiều so với thời điểm trước dịch bệnh.
Theo ông Tương, phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển nên giá cước cao sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong nửa cuối năm khi cao điểm vận tải thường rơi vào khoảng tháng 9.
Hơn nữa, diễn biến giá cước còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp và xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc, thì đà giảm khó quay về mốc cũ, hoặc cũng có thể bật tăng trở lại.
Một số doanh nghiệp cũng kỳ vọng, với lo ngại suy thoái toàn cầu, có thể thời điểm cuối năm và những năm tiếp theo là cơ hội để Việt Nam tham gia vào đội tàu chuyển hàng tuyến quốc tế, từ đó, sẽ dần giúp ổn định chi phí logistics.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt xây dựng đội tàu quốc tế, tuy nhiên, trước mắt tập trung tuyến nội Á
Đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans) nhận định, xung đột Nga - Ukraine và việc Trung Quốc phong tỏa đã tác động lên chuỗi cung ứng. Điều này khiến cho việc đi lại của các tàu nhiều hơn.
Trong khi đó, giá thép cao ở nhiều quốc gia khiến họ hạn chế đóng tàu mà tập trung làm container.
"Lượng cung tàu thế giới giảm, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt xây dựng đội tàu quốc tế", vị đại diện nhấn mạnh.
Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đang đề xuất phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế Việt Nam theo 2 giai đoạn.
Trong bối cảnh vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế là mục tiêu quan trọng đặt ra hiện nay.
Tại dự thảo Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, Việt Nam khó có thể phát triển được đội tàu container để khai thác ở tuyến xa được trong giai đoạn tới đây mà chỉ có thể bắt đầu với việc tăng cường thiết lập khai thác các tuyến nội Á để thu hút hàng về các cảng biển lớn của Việt Nam xuất đi Châu Âu và Mỹ.
Cơ quan này cũng cho rằng, việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế cần chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn trước mắt (2022-2026), cần đổi mới về cơ chế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính.
Phi Hùng