Doanh nghiệp (DN) logistics cần nhận thức và đổi mới tư duy về xu hướng "xanh hóa" đang diễn ra trong hoạt động thương mại và hoạt động kinh tế. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ khiến chi phí gia tăng và các doanh nghiệp logistics chắc chắn không đứng ngoài "cuộc chơi" này...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), năm 2022, mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành logistics Việt Nam nói riêng vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức như: Tình hình chính trị căng thẳng ở nhiều quốc gia trên thế giới; chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực bị đứt gãy trên phạm vi toàn cầu; lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia…
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến thời điểm hiện tại đã gần cán mốc 700 tỷ USD. Tăng tưởng kinh tế ước đạt 8%, là mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2022. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi vào thực thi và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là EVFTA… Điều đó tạo nên động lực cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ.
"Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 tăng trưởng và phát triển bền vững, với tốc độ tăng trưởng 12-15% tùy theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp", đại diện VLA cho biết.
Ngành logistics Việt Nam đang tăng trưởng với trên 30.000 doanh nghiệp
Hạ tầng phát triển, tạo cơ hội cho logistics
Thông tin tại Hội nghị thường niên 2022 của Hiệp hội logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển.
Đơn cử như, hiện nay rất nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về phát triển logistics. Cùng với đó, xu hướng đầu tư vào ngành logistics đang tăng rất nhanh, thể hiện qua các công trình hạ tầng như: Đường cao tốc, đầu tư sân bay Long Thành, mở rộng các cảng biển, xây dựng các trung tâm logistics mới và trong sự tham gia này, không chỉ có nhà đầu tư trong nước, nguồn vốn của Nhà nước, mà còn cả nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ngành logistics cũng ghi nhận sự lớn mạnh trong năm vừa qua khi bên cạnh sự gia tăng của các DN mới, nhiều DN của Việt Nam đã phát triển rất tốt và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các hiệp hội mới, trong đó có những hiệp hội đặc thù như: Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam. Điều này cũng tạo sự đóng góp chung về lực lượng và giúp ngành logistics đạt được những kết quả tốt hơn.
Cần chuẩn bị phương án để đối mặt với khó khăn
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn. Bởi, hiện nay thế giới đang ở trong tình trạng suy thoái và lạm phát, nhu cầu tiêu dùng thế giới sẽ sụt giảm, dẫn đến sự sụt giảm về các hoạt động thương mại, kéo theo đó là hoạt động logistics… Các DN nói chung, trong đó có DN logistics phải có sự chuẩn bị để đối mặt.
Mặc dù hiện nay, cước vận tải container đường biển đã giảm về mức trước dịch, thậm chí giảm dưới mức trước dịch. Tuy nhiên, những yếu tố bất ổn trong thị trường kinh doanh vẫn đang bộc lộ, bên cạnh cuộc chiến Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, các yếu tố khác như thiên tai, dịch bệnh hay các sự cố bất ngờ như tàu container gây tắc nghẽn kênh đào Suez... cũng có thể gây ra những tắc nghẽn do dòng chảy thương mại, logistics...
'Xanh hóa' ngành logistics
Một khó khăn nữa được ông Trần Thanh Hải đề cập đến nhưng cũng là yêu cầu cho các DN, đó là DN phải có nhận thức và đổi mới trong vấn đề về xu hướng xanh hóa đang diễn ra trong hoạt động thương mại và hoạt động kinh tế, tức là lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, thương mại trong hoạt động logistics.
Với yêu cầu như vậy, sẽ tăng thêm những tiêu chuẩn cao hơn cho hàng hóa, hoạt động kinh doanh... đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ khiến chi phí gia tăng và các doanh nghiệp logistics sẽ không đứng ngoài cuộc chơi này...