Giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Ngày 06-11-2023 Lượt xem 334

Được xác định là loại hình dịch vụ quan trọng, ngành logistics (vận tải, kho bãi...) đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, ngành logistics Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, được quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, chi phí logistics tại nước ta vẫn ở mức cao, cần tiếp tục tối ưu hóa để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Liên tục tăng trưởng cao với mức 2 con số

Phát triển dịch vụ logistics không chỉ đem lại giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mà còn gắn liền với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu thương mại, hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin... Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, những năm qua, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng logistics. Nhờ vậy, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

Hoạt động vận tải của doanh nghiệp tại Hải Dương.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước cùng với khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới có hoạt động cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics cũng không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng cải thiện đáng kể. Từ đó, góp phần quan trọng đưa ngành logistics Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra với ngành logistics là chưa hình thành được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường bộ, cơ sở sản xuất. Cùng với đó, doanh nghiệp logistics nước ta tuy đông về số lượng nhưng còn hạn chế về quy mô, vốn, nhân lực. Hầu hết doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm. Đồng thời, có tới 93-95% người lao động trong các doanh nghiệp này không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ. Những vấn đề này đang đặt ra thách thức không nhỏ cho việc phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.

Tiếp tục kéo giảm chi phí logistics

Giảm chi phí logistics, qua đó giúp giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ là mục tiêu quan trọng đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai. Năm 2022, chi phí logistics ở nước ta ước tính chiếm khoảng 17% tổng sản phẩm trong nước (GDP), giảm đáng kể so với năm 2018 (khoảng 21% GDP). Mặc dù vậy, con số trên vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung của thế giới. Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.

Để đạt được mục tiêu này, cơ sở hạ tầng được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị chi 2,87 triệu tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình, dự án. Hai năm 2022-2023, có thêm hơn 143.000 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng. Một phần không nhỏ trong nguồn lực này được dành cho hạ tầng giao thông, huyết mạch của nền kinh tế và cũng là huyết mạch của ngành logistics. Hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường cao tốc quan trọng, kết nối vùng, miền đã được hoàn thành. Mục tiêu đến năm 2025, nước ta hoàn thành 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030, hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Ngoài ra, các tuyến đường ven biển, đường kết nối, cảng biển, sân bay... cũng đang được tập trung xây dựng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế cũng như góp phần giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao của Công ty dịch vụ bất động sản Savills Hà Nội cho rằng, thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới và tối ưu diện tích kho bãi sẵn có. Đơn cử như, ngành thương mại điện tử cần diện tích thuê kho lớn để lưu trữ nhiều mặt hàng cũng như lắp đặt hệ thống hỗ trợ lấy hàng, đóng gói. Thêm vào đó, các nhà sản xuất quốc tế với những mặt hàng giá trị gia tăng cao đều kỳ vọng có mặt bằng kho bãi để lưu trữ hàng hóa sau sản xuất. Thực tế cho thấy, nguồn cung đối với mặt bằng nhà kho tại thị trường Việt Nam, đặc biệt ở khu vực phía Bắc vẫn chưa nhiều. Do vậy, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tới việc xây dựng nhà kho cao tầng hoặc kho cảng thông minh.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của từng địa phương. Trong đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận các nguồn vốn, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat