Logistics thương mại điện tử dự đoán vượt 3.221 tỷ USD năm 2033

Logistics thương mại điện tử dự đoán vượt 3.221 tỷ USD năm 2033

Ngày 08-05-2023 Lượt xem 286

Tốc độ phát triển ngành CAGR dự kiến đạt 17,8% năm 2033, tương đương hơn 3.200 tỷ USD, tăng gần 2.700 tỷ USD so với năm 2022.

Logistics thương mại điện tử dần cho thấy dấu hiệu tăng trưởng khi các siêu thị và nhà bán lẻ dần chuyển hướng hoạt động như các trung tâm phân phối vi mô. Thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ cũng góp phần thúc đẩy thị trường. Mô hình này hiện khá phổ biến ở các nước Mỹ, Trung Quốc, Australia, Mexico và Ấn Độ.

Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu là những nhà xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu thế giới. Pháp và Mỹ là những nhà xuất khẩu hàng đầu về mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường logistics thương mại điện tử ngày càng cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng ở một số cường quốc. Trong đó nổi bật có Trung Quốc với tốc độ CAGR giai đoạn 2023-2033 ước tính đạt 19,6%.

Nhu cầu của khách hàng đối với thương mại điện tử xuyên biên giới tăng lên khi thu nhập bình quân đầu người cải thiện. Các thương hiệu nước ngoài trở nên dễ tiếp cận hơn. Nhờ đó các hành lang thương mại, hay còn gọi là mạng lưới giao thông kết nối giúp tăng cường giao thương gồm cơ sở hạ tầng tích hợp như tàu hỏa và đường bộ kết nối các quốc gia, cũng được củng cố và phát triển.

Logistics là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử.

Các chuyên gia nhận định chuỗi logistics là rất quan trọng trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Dòng hàng hóa phụ thuộc nhiều vào mạng lưới vận chuyển và phân phối. Với sự mở rộng của lĩnh vực này, nhu cầu logistics e-commerce được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 10 năm tới.

Ngoài ra, một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường được các chuyên gia chỉ ra gồm sự gia tăng các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới và phát triển của các công ty ngành này. Ngoài ra, các cơ sở phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng góp phần mở rộng thị trường.

Cụ thể, do nhu cầu mua sắm tăng mạnh, áp lực xử lý vận chuyển đơn hàng cũng gia tăng. Các chủ cửa hàng đã dời kho bãi vào gần khu dân cư để tiết kiệm thời gian. Nhiều doanh nghiệp, siêu thị nghiên cứu biến các cửa hàng thành trung tâm phân phối mini, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình giao hàng.

Trong khi đó, các công ty thương mại điện tử lớn tập trung xây dựng các siêu thị nhỏ, đẩy nhanh quá trình phân phối sản phẩm. Từ tháng 2/2018, "ông lớn" ngành thương mại điện tử Amazon đã ra thông báo các thành viên Prime ở bốn thành phố của Mỹ là Austin, Cincinnati, Dallas và Virginia, có thể nhận hàng tại các siêu thị mini như Whole Foods Market IP, L.P... chỉ hai giờ sau khi đặt hàng thành công.

Phi Hùng (Theo Yahoo Finance)

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat