Để logistics Việt Nam tiến xa, vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam đang mạnh mẽ chuyển mình để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn
Năm 2022, ngành logistics Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực. Để logistics Việt Nam tiếp tục tiến xa, các doanh nghiệp Việt Nam đang mạnh mẽ chuyển mình để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn.
Theo Tổng cục thống kê, tính chung 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô và số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngày ngày càng được mở rộng.
Việt Nam - thị trường logistics đầy tiềm năng
Trên cả nước hiện có 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó, hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics quốc tế, 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử là một trong những yếu tố thúc đẩy logistics tăng trưởng tại Việt Nam. Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2022” về nền kinh tế số của Google, Temasek và Bain & Co., nền kinh tế số Việt Nam đạt 23 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 14 tỷ USD tới từ ngành thương mại điện tử.
Để đáp ứng như cầu tăng cao về kho bãi và vận chuyển, các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ quản lý, vận hành hơn nữa.
Các chính sách ưu đãi và nguồn nhân lực dồi dào, năng lực chuyên môn cao và giá cả cạnh tranh tiếp tục là những điểm mạnh để các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam trong làn sóng chuyển dịch chuỗi cungứng toàn cầu.
Điển hình mới đây nhất, ngày 3/11, tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã khởi công một nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD tại Bình Dương. Có thể nói, sự bùng nổ của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng tại Đông Nam Á.
Động lực mạnh mẽ từ các doanh nghiệp đầu ngành
Một trong những lý do quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của ngành logistics là các doanh nghiệp đang nỗ lực để gia tăng thị phần và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn ITL.
Bốn vấn đề lớn nhất cần giải quyết sẽ là kinh doanh, lao động, chi phí và tài chính. Cơ sở hạ tầng, nhân lực và chuyển đổi số là “tam giác” sẽ quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Hiện nay, mục tiêu của chính phủ với ngành logistics là nâng cao hiệu quả, giảm chi phí để Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế. Chi phí logistics của Việt Nam đang chiếm 16,8% GDP so với mức 10,6% của thế giới.