Nâng cao năng lực hệ thống cảng biển đến năm 2030 có điểm gì mới?

Nâng cao năng lực hệ thống cảng biển đến năm 2030 có điểm gì mới?

Ngày 25-07-2023 Lượt xem 281

Hệ thống cảng biển được quy hoạch đồng bộ với đường sắt, đường bộ, phát huy lợi thế của quốc gia có biển để đẩy mạnh lưu thông hàng xuất nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, nếu không có cảng Cửa Lò, Hà Tĩnh, hàng ở các tỉnh đó phải đi đường bộ ra Hải Phòng hoặc Đà Nẵng. Khi phát triển cụm cảng ở Cửa Lò, hàng được xuất đi nước ngoài, không mất chi phí di chuyển đường bộ. Tương tự, hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu sẽ đến cảng Quảng Ninh, rồi từ đó tàu hàng đi dọc tuyến biển từ Bắc đến Nam, thay thế vận chuyển đường bộ đưa hàng chạy dọc đất nước như hiện nay.

"Nước ta có đặc thù bờ biển dài thì tại sao không làm cảng biển, đưa hàng xuống biển mà phải chạy đường bộ. Chúng ta có tiền đề phát triển hệ thống cảng biển, từ đấy hình thành các tuyến vận tải ven biển, sẽ giảm chi phí logistics so với vận chuyển đường bộ", ông Sang nói.

Thứ trưởng Sang cho rằng, tính chung chi phí vận tải (so với đầu tấn hàng) qua đường biển thấp hơn chi phí vận tải ôtô. Khi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sẽ góp phần giảm giá thành vận tải nói chung, chi phí logistics và giảm áp lực cho đường bộ, tăng an toàn giao thông. Đây là định hướng phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng biển là tăng sản lượng hàng hóa vận tải bằng phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành rẻ.

Về vốn đầu tư, quy hoạch cảng biển xác định hệ thống cảng biển đến năm 2030 cần khoảng 313.000 tỷ đồng, bao gồm xây dựng các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, được huy động chủ yếu ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, nhà nước chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo vốn ban đầu, còn lại 95% nguồn vốn sẽ thu hút đầu tư ở các phần kinh tế khác.

Ngoài ra, quy hoạch cảng biển trước đây đã được triển khai 7 năm, bộc lộ một số bất cập như chưa đồng bộ với quy hoạch xây dựng của địa phương và các ngành công nghiệp khác. So với lúc xây dựng quy hoạch, đến nay kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của cả 5 lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa và đường sắt đã có nhiều thay đổi, cùng với sự phát triển của các thành phố, khu du lịch, đô thị ven biển gây tình trạng ùn ứ trong hoạt động vận tải hàng hóa kết nối đến một số khu bến cảng biển. Đồng thời, quy hoạch cảng biển và các quy hoạch kết nối giữa các phương thức vận tải này chưa đồng bộ.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat