Tham vọng về những ‘gã khổng lồ’ hậu cần

Tham vọng về những ‘gã khổng lồ’ hậu cần

Ngày 02-12-2022 Lượt xem 211

Kỳ vọng về những trung tâm logistics đang được hiện thực hóa từ chính sách tới hành động. Tuy vậy, rất nhiều vấn đề đặt ra như tính kết nối vùng, quy hoạch, xu hướng phát triển xanh… cần được mổ xẻ để Việt Nam sớm có những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực logistics.

Cuộc chạy đua của các đối thủ

Tại Trung Quốc, cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, đi theo đó là hệ thống logistics cũng vô cùng lớn. Ngoài đội tàu biển thương mại lớn thứ hai thế giới là những trung tâm logistics ra đời sau sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử như Alibaba, JD.com, giúp nước này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về logistics trên thế giới. 

Xu hướng hình thành các trung tâm logistics cũng bùng nổ mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á. Malaysia đã và đang hình thành nhiều trung tâm logistics lớn tại các bang Selangor, Johor. Hay Thái Lan cũng có trung tâm logistics tại Bangkok…

Tại Việt Nam, sau 5 năm triển khai kế hoạch hành động ngành logistic theo Nghị quyết 200 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng doanh nghiệp vận tải kho bãi đã tăng lên đáng kể, từ 37.000 doanh nghiệp năm 2017 lên hơn 43.000 doanh nghiệp năm 2021. Trong đó khoảng 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận (TPL) liên quan đến quốc tế.

Tuy vậy, ở Việt Nam, mặc dù logistics cũng có từ rất lâu nhưng vẫn mang tính rải rác, dẫn đến hiệu quả logistics chưa cao. Do đó, khi xây dựng được những trung tâm logistics cần đi kèm cùng hệ sinh thái gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải, công nghệ thông tin… để tối ưu hóa hoạt động cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và gián tiếp thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

‘Huyệt đạo’ đặt trung tâm logistics

Các trung tâm logistics được xem giữ vai trò quan trọng trong kết nối, không chỉ hàng hóa mà còn kinh tế, xã hội giữa các vùng. Vì vậy, theo các chuyên gia, “huyệt đạo” đặt các trung tâm logistics rất quan trọng.

Theo bà Cao Cẩm Linh, Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam, phải phân biệt trung tâm logistics cho hàng hóa và trung tâm logistics cho thương mại điện tử. Đây là 2 loại hình khác nhau, vị trí đặt cũng khác nhau.

Trung tâm logistics cho hàng hóa là hàng B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp), đặt gần cảng, sân bay và các đường biên giới. Còn trung tâm logistics cho thương mại điện tử là hàng B2C (doanh nghiệp đến khách hàng), thậm chí C2C (khách hàng đến khách hàng) nên phải gần với người tiêu dùng cuối cùng.

“Nếu đặt vị trí trung tâm logistics cho hàng thương mại điện tử giống như hàng hóa lớn thông thường thì vô tình làm cho quãng đường đi dài hơn, xa hơn và chính chúng ta sẽ tiếp tay cho việc tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường. Khi đặt vị trí trung tâm logistics trong nội đô, vào ban đêm, luồng hàng lớn được luân chuyển về trung tâm đó, sau đó ban ngày, các hàng hóa sẽ được giao đi thông qua ứng dụng của nền kinh tế chia sẻ. Điều đó giúp giảm tải giao thông và ô nhiễm môi trường”, bà Linh nhấn mạnh.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat