So với xuất khẩu, mảng logistics phục vụ nhập khẩu được đánh giá “phù hợp” và còn nhiều dư địa khai thác cho các doanh nghiệp trong nước...
Khối ngoại đi trước
Báo cáo của Agility - đơn vị chuyên xếp hạng thị trường logistics cho biết, năm 2022, thị trường logistics Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong tốp 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự báo đạt 5,5%/năm trong giai đoạn 2022-2027.
Còn ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay, hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia thị trường logistics Việt Nam. Trong đó, 89% là doanh nghiệp nội địa và chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, theo thông tin từ các đơn vị trong ngành, số lượng không tỷ lệ thuận với doanh thu khi khối ngoại chiếm thế áp đảo với 70-80% tổng doanh thu toàn thị trường.
Theo các chuyên gia, tính cạnh tranh trong lĩnh vực này chủ yếu được xét trên 2 mảng hoạt động là logistics phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu. Với xuất khẩu, hầu hết doanh nghiệp logistics trong nước đều đang xuất khẩu theo dạng FOB (Free on board – Giao hàng lên tàu), FCA (Free Carrier - Giao cho người vận tải). Tức là, các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài thường chỉ định một công ty logistics bản địa cung cấp dịch vụ, cho nên sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt ở mảng này rất thấp.
Khối nội cần người dẫn dắt
Từ góc nhìn của đơn vị tư vấn, kết nối đầu tư, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết, so với 10 năm trước, bất động sản công nghiệp và logistics hiện rất được nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian dài là nền tảng cho các thị trường này phát triển, thu hút sự chú ý của dòng vốn đầu tư.
“Ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố bên ngoài như đại dịch Covid-19, biến động địa chính trị thế giới…, việc thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp, logistics vẫn gia tăng, thậm chí còn ‘nóng’ hơn so với thị trường nhà ở”, bà Hằng nói và cho biết thêm, hiện tại, nguồn cung nhà kho, nhà xưởng xây sẵn phục vụ nhu cầu kho vận của phía Bắc vào khoảng trên 600.000 m2 với giá thuê trung bình 5 USD/m2/tháng, công suất lấp đầy đạt khoảng 78%.
Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn ngày càng tăng cao
“Chúng tôi nhận thấy ngành bất động sản công nghiệp, logistics đang được hỗ trợ tốt, với các chính sách chủ động và linh hoạt từ Chính phủ, chính quyền địa phương. Hiện là thời điểm thuận lợi để phát triển mảng này ở Việt Nam, là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia khai thác. Từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi đánh giá rất cao các yếu tố nền tảng và chủ trương thúc đẩy phát triển ngành kho vận ở Việt Nam”, đại diện Sembcorp nhấn mạnhn