Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của các chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của các chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 11-11-2022 Lượt xem 182

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất chính cho nhiều công ty công nghệ lớn nước ngoài. Điều này có thể sẽ thu hút các nhà đầu tư đến với ngành logistics Việt Nam…

Theo Tech Collective, Trung Quốc luôn là nhà cung cấp linh kiện công nghệ lớn nhất và đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng của Apple, Samsung và LG Electronics. Tuy nhiên, sau COVID-19, đã có nhiều thay đổi đáng kể, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất cho các công ty này. Ngoài ra, vì để ngăn chặn diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang thực thi nhiều chính sách làm giảm sự sôi động của nền kinh tế. Chính điều này đã góp phần tạo ra cơ hội cho Việt Nam phát triển như một trung tâm của chuỗi cung ứng. 

Ngoài ra, việc chuyển hướng quốc gia sang chú trọng sản xuất cũng có thể thu hút các nhà đầu tư tăng nguồn vốn vào ngành công nghệ logistics Việt Nam.  Việt Nam là quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi 6% GDP mỗi năm vào  lĩnh vực này, cao hơn 2,3% so với mức trung bình của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn tồn tại một vài nhược điểm, chẳng hạn như chi phí cao và sự kém hiệu quả trong trung chuyển hàng hóa - đòi hỏi các ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lĩnh vực logistics và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Gã khổng lồ công nghệ Apple hiện đang sản xuất iPad tại Việt Nam đồng thời cũng đang xem xét sản xuất Apple Watch và Macbook “made in Vietnam” đầu tiên. Điều này đã mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp địa phương hợp tác trong chuỗi cung ứng các sản phẩm của Apple. Ngoài ra, Apple dường như cũng sẵn sàng phát triển mô hình “Trung Quốc cộng với Việt Nam”, chứng tỏ Việt Nam rất có khả năng sẽ thu được lợi nhuận từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 125 tỷ USD, trong đó ngành điện tử, máy tính và linh kiện máy tính đạt 50,8 tỷ USD. Lĩnh vực này chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Vốn FDI vào ngành sản xuất và thị trường bất động sản cũng tăng đáng kể, với 245 tỷ USD và 65 tỷ USD, chiếm 75% tổng vốn cam kết lũy kế. Tính đến tháng 12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) của Việt Nam báo cáo các dự án FDI đạt trị giá 19,74 tỷ USD với những cái tên có thể nhắc đến như LG, LEGO Group, Samsung và các nhà sản xuất lớn khác. 

Việt Nam cũng cung cấp một lực lượng lao động có kỹ năng nhưng chi phí lao động cạnh tranh và cơ sở hạ tầng thuận lợi. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU năm 2019 cũng là bước đệm để một trung tâm chuỗi cung ứng tiềm năng như Việt Nam trở thành bánh răng quan trọng trong lĩnh vực hậu cần toàn cầu. Sự ổn định kinh tế - chính trị trong nước cũng là một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc khi đưa ra các quyết định hợp tác đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ cũng thể hiện ý định đầu tư đáng kể vào ngành công nghệ hậu cần. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng sức mạnh ngoại giao để xây dựng các mối quan hệ toàn cầu bền chặt với các quốc gia quan trọng. Và dĩ nhiên, điều này sẽ giúp bối cảnh logistics của nước nhà có cơ hội phát triển hơn nữa.

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat