Việt Nam được kỳ vọng trở thành 'ngôi sao logistics' của châu Á

Việt Nam được kỳ vọng trở thành 'ngôi sao logistics' của châu Á

Ngày 02-08-2023 Lượt xem 225

Theo nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi. Ngành dịch vụ logistics đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và hoạt động xuất - nhập khẩu. Tuy nhiên, để hướng đến cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, gia tăng tính cạnh tranh, đáp ứng theo các chuẩn mực quốc tế thì cần phải phát triển công nghệ và gia tăng dịch vụ giá trị ngành logistics.

Hoạt động vận tải của thị trường logistics Việt Nam những tháng đầu năm 2023

I.Thực trạng hoạt động vận tải:

Theo báo cáo của VIRAC, tổng khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa quý 1 năm 2023 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng khối lượng vận tải hàng hóa Việt Nam tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng khối lượng luân chuyển trong quý 1 năm 2023 cũng tăng gần 22% so với cùng kỳ.

Chi phí vẫn là một vấn đề lớn của hoạt động vận tải ở Việt Nam. Chi phí dành cho vận tải chiếm đến 60% chi phí logistics. Nguyên nhân cho điều này là do hoạt động vận tải phụ thuộc nhiều vào đường bộ – một loại hình vận chuyển có cước vận chuyển cao. Trong khi đó các phương thức rẻ hơn như đường thủy, đường sắt lại chưa được ưu tiên phát triển. Nhưng đây vẫn là phương thức vận tải được ưa chuộng nhất do cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng đủ để sử dụng các phương thức vận chuyển khác.

II.Xu hướng trong tương lai của hoạt động vận tải 

Trong tương lai, nên dịch chuyển dần vận tải đường bộ sang các loại hình vận tải khác với nhiều ưu điểm hơn. Điển hình là phát triển đường thủy. Việt Nam là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc, bờ biển dài rất thuận lợi cho phát triển đường thủy. Đồng thời chi phí đường thủy rẻ hơn đường bộ cũng là một ưu điểm nổi bật. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tiếp tục phát triển hơn nữa đường hàng không và đường biển – những loại hình vận tải thiết yếu để phát triển quốc gia. 

III.Kỳ vọng trở thành trung tâm logistics trong khu vực và thế giới của Việt Nam. 

1.Vị trí địa lý thuận lợi

Với vị trí địa lý thuận lợi, sự ổn định về chính trị và xã hội, Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc phát triển logistics. Bên cạnh đó, nước ta cũng tận dụng được những lợi thế từ đường bờ biển dài với hệ thống cảng biển đạt công xuất tối ưu kết hợp với sự bùng nổ của thương mại điện tử đang phát triển ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Những điều này giúp cho Việt Nam được kỳ vọng trở thành trung tâm luân chuyển hàng hóa của thế giới, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

2.Thị trường logistics Việt Nam cũng cho thấy một tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Theo báo cáo của VIRAC, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á (bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023). Còn theo Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong những năm qua, thị trường logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, thị trường không chỉ tăng lên về số lượng các doanh nghiệp mà chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics cũng ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. 

Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như: chi phí logistics chưa được tối ưu; các doanh nghiệp logistics thiếu sự liên kết với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa vững, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể…

  

 

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat