Sự phát triển của cảng biển trong thời gian qua đã đem lại nhiều đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm còn hạn chế. Khai thác cảng biển “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế là yêu cầu tất yếu.
“Xanh hóa” cảng biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam
Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường biển và Cảng biển xanh, là một phần của chiến lược phát triển bền vững ở nước ta. Thời gian gần đây, “xanh hoá” Cảng biển đang là xu thế của Việt Nam và Thế giới. Việc giảm phát thải tại cảng biển không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm cho việc các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, việc thực hiện xu hướng này còn gặp nhiều khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường còn hạn chế, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Cơ chế hỗ trợ cho các Doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường còn rất hạn chế.
Các yếu tố góp phần thực hiện “xanh hoá” Cảng ở Việt Nam
Thứ nhất là tích hợp chuỗi cung ứng. Những cải thiện trong liên kết các phương tiện giao thông hứa hẹn nâng cao hiệu suất và giảm ùn tắc tại khu vực cảng. Việc sắp xếp vị trí theo thời gian cho xe tải, hệ thống lập lịch trình chất hàng lên sà lan và số hóa các quy trình cho phép các nhà vận hành tương tác với chuỗi cung ứng theo thời gian thực.
Thứ hai là cơ hội về tự động hóa. Cụ thể, các quy trình có thể áp dụng tự động hóa từ giai đoạn đầu gồm: Kiểm soát ra vào cổng cảng sử dụng nhận dạng quang học (OCR), nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) hoặc cầu cân tự động; các dịch vụ kỹ thuật số trực tuyến giúp tính toán hoặc thanh toán hóa đơn thương mại; các công cụ như bốt chấm công tự động hoặc số hóa bản kê khai hàng hóa để giảm việc nhập liệu thủ công.
Thứ ba là ứng dụng các công nghệ phù hợp. Sau khi Chính phủ Việt Nam chú trọng đầu tư cho công nghệ 5G, các cảng sở hữu tiềm năng bật nhảy có thể bỏ qua nhiều giai đoạn phát triển theo lộ trình mà vẫn đảm bảo sở hữu băng thông nhanh và đáng tin cậy. 5G hỗ trợ gia tăng ứng dụng công nghệ khác như cảm biến, bộ theo dõi, nguồn cấp dữ liệu video và thiết bị điều khiển từ xa. Áp dụng nhanh các công nghệ này cũng đồng nghĩa sớm đóng góp vào khối lượng dữ liệu đã thu thập được. Những cải tiến liên quan cũng có thể được thực hiện với trí tuệ nhân tạo và máy học, từ đó hỗ trợ ra quyết định, tối ưu hóa các chức năng bảo trì, quản lý an toàn, sử dụng thiết bị.
Thứ tư là chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng. Bước đầu trong việc chuyển đổi sử dụng nguồn năng lượng cần thiết cho các cảng ở Việt Nam là thực hiện đánh giá lượng khí thải liên quan đến hoạt động của cảng. Từ đây, một chiến lược sẽ được phát triển, cho phép chuyển đổi từng bước đến mức phát thải bằng 0 nhưng vẫn phù hợp các chương trình đã thiết lập. Chiến lược trên có thể bao gồm sự kết hợp của các giải pháp từ điện khí hóa thiết bị chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế, tối ưu hóa năng lượng sử dụng và đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo. Ngoài ra, chuyển đổi năng lượng còn có thể tạo doanh thu mới. Các cảng có thể tận dụng việc nhập khẩu năng lượng thay thế và hướng đến trở thành cơ sở hỗ trợ cho việc phát triển điện gió ngoài khơi.
Thứ năm là thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhằm giảm những rủi ro từ thiên tai, các nhà vận hành tại Việt Nam cần đánh giá rủi ro từ khí hậu và khả năng chống chịu của cảng. Việc này giúp đưa ra quyết định liên quan đến biện pháp thích ứng trước các nguy cơ thiên tai. Những cảng nắm bắt thời cơ này, thay đổi, tích hợp công nghệ kỹ thuật số và thông minh hứa hẹn sở hữu lợi thế dẫn đầu khi ngành cảng biển và hàng hải bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng.